
Chi đoàn Văn phòng BQL KCNC chụp hình lưu niệm tại Di tích “Bưng 6 xã”
Cùng được tham quan những chứng tích chiến tranh, mặc dù có những Đoàn viên trong chi đoàn đã từng đến những di tích này nhiều lần trước đó nhưng mỗi cá nhân vẫn không khỏi ngậm ngùi khi được nghe giới thiệu về những tội ác trong chiến tranh, về trang sử hùng tráng của dân tộc, về truyền thống hào hùng của ông cha ta và của những thế hệ đi trước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Sau đây là vài nét tóm tắt về 02 di tích lịch sử hào hùng này…
· DI TÍCH LỊCH SỬ “VÙNG BƯNG 6 XÔ
Di tích tọa lạc trên địa bàn 2 phường: Tăng Nhơn Phú B và Phú Hữu, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Cái tên “Vùng bưng 6 xã” bắt nguồn từ việc căn cứ khu C trong kháng chiến chống Pháp được thành lập với 6 xã: Long Trường, Phú Hữu, Phước Long, Tăng Nhơn Phú, Bình Trưng, An Phú.
Căn cứ vùng Bưng 6 xã là địa bàn cơ động chiến lược vô cùng quan trọng của các lực lượng vũ trang từ xã, huyện đến tỉnh, quân khu và miền để uy hiếp và đánh vào cơ quan đầu não địch một cách táo bạo nhất, bất ngờ nhất, trong thời gian nhanh nhất, với khoảng cách ngắn nhất (cách trung tâm thành phố chỉ 5 km theo đường chim bay, trong tầm hỏa lực ĐKZ của ta) đặc biệt là nơi xuất phát của lực lượng vũ trang tiến công vào thành phố Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968 và chiến lược đại thắng mùa xuân 1975.

Đoàn TN BQL KCNC cùng thắp nhang tưởng niệm tại di tích “Bưng 6 xã”
Từ căn cứ vùng Bưng 6 xã, Huyện ủy đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến giành được thắng lợi vẻ vang góp phần cùng cả nước đánh bại hoàn toàn 2 đế quốc tàn bạo là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Phòng trưng bày di tích Căn cứ Vùng Bưng Sáu Xã giới thiệu truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Bưng Sáu Xã trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thông qua các hình ảnh, hiện vật và tài liệu gắn với các sự kiện, con người cụ thể trên địa bàn Quận 9 và một số tư liệu, hình ảnh thuộc địa bàn quận Thủ Đức, Quận 2 được trưng bày với các đề tài sau:
- Bưng Sáu Xã trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1930 – 1945);
- Bưng Sáu Xã trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1945 - 1975);
- Các Bà Mẹ VNAH, Đơn vị Anh hùng LLVT và AHLLVT trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Đoàn viên BQL KCNC tham quan phòng trưng bày tại di tích “Bưng 6 xã”
· DI TÍCH LỊCH SỬ “BÓT DÂY THÉP”
Di tích Bót Dây Thép có kiến trúc kiểu Tây phương, tường gạch, mái ngói, nằm trên khu đất cao thuộc phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bót Dây Thép là một căn nhà một trệt, một lầu, bố trí nhiều cửa sổ trổ ra bốn hướng. Phía trái ngôi nhà có hai cầu thang dẫn lên lầu một. Trong bót Dây Thép có một căn hầm để nhốt người, hầm chỉ có một lỗ thông hơi duy nhất ở phía trên nóc.
Từ ngày tiếp quản Bót Dây thép, bọn lính Pháp do tên Pirolet chỉ huy đã biến nơi này thành ngục tù vây hãm, hành hạ khảo tra những người dân Tăng Nhơn Phú anh hùng và tất cả những ai chúng nghi ngờ có liên quan, tiếp tế cho chiến sĩ cách mạng. Giai đọan này các phong trào đấu tranh yêu nước bùng nổ khắp nơi, quân Pháp càng điên tiết ra tay bắt bớ. Chúng bắt người rất nhiều, dùng mọi biện pháp tra khảo tàn bạo dã man nhất như: nướng thanh sắt dí vào bắp chân, treo ngược lên xà nhà, dùng rơm đốt cháy… nhưng vẫn không khuất phục được ý chí đấu tranh, lòng quật cường yêu nước của nhân dân…Bọn lính Pháp đã vô cùng tức giận, chúng gán cho những người nông dân hiền lành chất phác một tội danh gọi là ’chính trị phạm’ cột xích họ dính vào nhau thành từng chùm bắn chết rồi ném xác xuống rạch Suối Cái.

Di tích “Bót dây thép” có kiến trúc kiểu Tây phương
Có thể nói, Bót dây Thép xưa kia quả đúng là một địa ngục trần gian của biết bao người dân vô tội. Bọn lính Pháp dưới sự chỉ huy trực tiếp của tên ‘ách râu’ -một sĩ quan khét tiếng là ‘khát máu’ dưới quyền Pirolet đã sát hại dân ta nhiều vô số kể. Có những tù nhân bị ngộp thở chết vì hầm giam người đã chất quá đông, có người bị tròng thòng lọng vào cổ kéo lên khỏi hầm để tra khảo chưa ra khỏi miệng hầm đã chết, có rất nhiều người bất kể già trẻ, trai gái phải đứng xếp hàng cho chúng bắn chết ném xác xuống sông Cầu Bến Nọc. Khiếp đảm hơn, chúng còn giết người dùng mã tấu chặt đầu, xác ném xuống sông, đầu cắm vào cọc, dựng thành hàng dài trước Bót Dây Thép.

Một phút mặt niệm cùng tưởng nhớ các vị anh hùng tại “Bót dây thép”
Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng chứng tích chiến tranh vẫn còn đó. Việc giữ gìn, bảo vệ ý nghĩa của các di tích là trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là của thế hệ trẻ hôm nay nhằm thể hiện lòng tri ân “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn đối với những vị anh hùng đã hy sinh xương máu vì dân tộc, vì Tổ quốc.
Thùy Trang