Skip Ribbon Commands
Skip to main content

 

Ngôn ngữ: Việt Nam | English
 
Website Hữu ích
Công nghệ sinh họcThứ 5, Ngày 23/12/2010, 16:10

Cảm nghĩ về phản kháng của Roche đối với sản phẩm interferon của Công ty TNHH công nghệ sinh học Dược Nanogen…

Cảm nghĩ về phản kháng của Roche đối với sản phẩm interferon của Công ty TNHH công nghệ sinh học Dược Nanogen… (23/12/2010)
 

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thái,
Trưởng Ban Công Nghệ Sinh Học
Khu Công Nghệ Cao TP Hồ Chí Minh, Việtnam

Tin đại diện hãng Roche phản kháng và yêu cầu NanoGen đình chỉ việc sản xuất interferon ở Việt Nam là một thử thách lớn về quyền lợi không chỉ cho hãng NanoGen, mà còn là một sự kiện cần được sự lưu tâm và chuẩn bị một chiến lược thích hợp cho việc phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam. Dưới đây chúng tôi xin phân tích vấn đề này theo hai khía cạnh pháp lý và trách nhiệm khoa học với xã hội.

Về pháp lý, luật bản quyền (patent) đã được đặt ra để khuyến khích đầu tư nghiên cứu qua việc bảo vệ các phát minh. Theo đó những khám phá đầu tiên và ứng dụng (first knowledge and application) là hai nền tảng cần và đủ cho việc thành lập bản quyền phát minh. Trong kỷ nguyên qua, đã có rất nhiều sản phẩm, công nghệ, hang xưởng lớn nhỏ của đủ mọi thể loại được hình thành và phát triển dựa trên các bản quyền phát minh. Tuy nhiên trên thực tế, cái nền tảng của bản quyền không phải là một chân lý mà mọi nơi phải tuân theo, đặc biệt là đối với sản phẩm sinh học mà người nghiên cứu chỉ tìm thấy (từ thiên nhiên) chứ không phải do họ tạo ra. Trước kia, các nhà nghiên cứu lấy bản quyền cho các gen mà họ tìm thấy, nhưng ngày nay họ chỉ có thể lấy bản quyền về ứng dụng chẩn đoán hay trị liệu của gen đó thôi. Do đó, nếu gen được thay đổi do đột biến (mutation) hoặc kết hợp với một nhóm hóa học hay gen khác thì một bản quyền mới sẽ được thay thế.

Dựa trên nguyên tắc này, hãng Human Genome Sciences (USA) đã tạo ra Albuferon do kết nối interferon với albumin để thay đổi cấu trúc và gia tang độ bền của dược phẩm nhằm giảm thiểu số lần trị liệu cho bệnh nhân. Từ lâu, một số bản quyền khác cho interferon ở nhiều nước đã ra đời (xem bảng dưới đây). Đó là chưa kể các sản phẩm interferon được chế tạo từ Cuba và một số nước Đông Âu và Đông Á khác; ngoài ra còn có những sản phẩm interferon không dung phương pháp tái tổ hợp gene mà ly trích từ máu hoặc tế bào gây nhiễm. Tóm lại, hiện nay có nhiều nguồn interferon trên thế giới được cấp phép theo nhều lý do khác nhau.
 
Một số thuốc interferon được sản xuất trên thị trường ở các nước trên thế giới (trích từ Wikipedia)

Nhưng phần quan trọng của vấn đề là ở khía cạnh khoa học phục vụ cho xã hội. Nếu chúng ta nhìn qua lăng kính thị trường tư bản, thì luật bản quyền được tuyệt đối bảo vệ vì lý do dễ hiểu vì nó liên hệ đến quyền lợi huyết mạch của những đại công ty lien quốc gia. Tuy nhiên ngày nay đã có rất nhiều tiếng nói phản kháng hoặc những phong trào với nhiều đề xuất để thay đổi quyền hạn của các bằng phát minh. Các phong trào này dựa trên nguyên tắc căn bản cho rằng khoa học là sản phẩm chung của nhân loại và cần được chia sè đến những nơi cần thiết. Họ đã tranh đấu khi nhận định thấy rằng 90% các nghiên cứu và thành quả khoa học đã nhằm phục vụ dân số ở các nước phát triển Mỹ và Âu Châu; ngược lại ở những nước kém hay đang phát triển phần lớn ở Phi và Á châu, chỉ được hưởng lợi ích 10% của những tiến bộ khoa học. Trong khi đó, vì điều kiện xã hội thấp kém, 90% bệnh tật đã xảy ra ở Phi và Á Châu so với 10% bệnh tật xảy ra cho các nước ở Mỹ và Âu châu. Vì sự chênh lệc quá lớn lao này, những nhà nhân quyền cho rằng việc áp dụng luật bản quyền cần được thay đổi và phân loại cho thích hợp tùy môi trường và hoàn cảnh. Ở Việt Nam, theo chúng tôi được cho biết, thì cũng có chính sách bảo vệ quyền sản xuất những sản phẩm có nhu cầu thiết yếu cho người dân trước những bệnh hiểm nghèo hay do dịch tể gây ra.
Vừa qua, chúng tôi có dịp tham dự hội nghị AEMI (Access to Medicine Initiative tạm dịch Quyền được hưởng những Phát minh Y tế) 2010 được tổ chức ở Cape Town Nam Phi, với mục tiêu bàn thảo những định hướng, kế hoạch y tế nhằm mang lại sự công bằng và quyền lợi y tế cần thiết  cho những nước đang phát triển.

Trong hội nghị này, chúng tôi đã học được một số thành quả từ nổ lực cá nhân hoặc phong trào quần chúng đã mang lại lợi ích y tế thiết thực cho xã hội ở những nơi cần thiết nhất.
Đầu tiên là Brasil, một trong những nước đã bị tàn phá nặng nề vì bệnh AIDS ở những năm 1990. Cũng trong thời kỳ này thế giới đã có những thành tựu quan trọng về thuốc trị AIDS của các hãng dược quốc tế gồm Zidovudine (hay AZT), Nelfinavir (do Roche) và Efavirenz (do Merk Sharp&Dohme). Tuy nhiên, vì cơ chế bảo vệ chặt chẽ bằng sáng chế và giá thuốc cao, đa số bệnh nhân AIDS của Brasil đã không có khả năng trị liệu và tỷ lệ tử vong rất cao. Để đối phó, chính phủ Brasil đã mạnh dạn cho các hãng dược quốc doanh sản xuất những loại thuốc chống siêu vi HIV và đồng thời gây áp lực giảm giá thuốc của các hãng dược nước ngoài. Dưới áp lực sản xuất ồ ạt ở Brasil và họ cũng chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc chống AIDS tới các nước ở Phi châu, các hãng dược quốc tế đã phải giảm giá các loại thuốc từ 50% đến 90%. Dr. Eloan Pinherio, Giám đốc hãng dược quốc gia Brasil Far-Manguinhos, cũng là một thành viên của AEMI, đã chia sẽ nhiều kinh nghiệm quý giá trong kế hoạch khắc phục sự kiểm soát của các hãng dược phẩm quốc tế ở Brasil; chiến lược tự sản xuất để cứu mình do bà đề xướng đã mang lại quyền được trị liệu cần thiết cho người dân Brasil.

Ở Châu Á, Thái Lan là nước cùng số phận bị AIDS hoành hành. Theo kinh tế thị trường, chính phủ Thái Lan luôn tôn trọng nguyên tác bản quyền của các hãng dược phẩm trong và ngoài nước. Hậu quả là chỉ có một số rất ít những bệnh nhân AIDS ở Thái có khả năng mua thuốc trị HIV, vì đông đảo dân là thành phần có lợi tức thấp nên số tử vong vì AIDS của Thái Lan cũng đã rất cao. Một phong trào đã được phát động yêu cầu sự can thiệp của chính phủ nhằm giảm giá thuốc chống siêu vi rút HIV của các hãng dược phẩm nước ngoài. Ngoài ra họ đề nghị chính phủ có những đảm bảo y tế cho dân chúng đặc biệt đối với các bệnh hiểm nghèo như AIDS, tiểu đường, huyết áp. Trong tiến trình này, Dr. Krisana Kraisintu, cựu Giám đốc của chương trình dược phẩm quốc gia Thái Lan, đã nhanh chóng chế tạo các thuốc chống AIDS tung ra thị trường và được sự ủng hộ lớn lao của dân Thái cũng như của nhiều nước trong vùng đang cần một giải pháp tương đương. Thành công này đã dẫn đến sự chấp nhận của chính phủ cho chương trình y tế bảo vệ cho mọi người dân Thái và việc sản xuất các thuốc có khả năng chống lại những dịch tể nguy hiểm như AIDS. Về thực tế, phong trào dành quyền y tế đã cho rằng nếu mỗi người bệnh đều có thể sử dụng thuốc đặc trị với giá thấp, thì thị trường tiêu thụ sẽ lớn hơn và lợi tức của các hãng dược phẩm vẫn được đảm bảo. Nói một cách khác, luật bản quyền vẫn được tôn trọng, nhưng cần có sự tự do cạnh tranh của nhiều nhóm và sự kiểm soát về giá cả để phục vụ đại đa số quần chúng.

Krisana đã đi xa hơn nữa với nhận định rằng những dược phẩm trọng yếu như thuốc trị AIDS, sốt rét và lao cần phải được sản xuất tự do ở các nước Phi châu để ngăn chặn làn sóng tử thần của các bệnh này. Krisana đã liên kết với những hội đoàn quốc tế và đi sâu tới nhiều nước ở các vùng Phi châu gồm Congo, Ethiopy, Tanzia, Bernin, Sengal, Kewil, Mali, Zambia để phục vụ. Krisana đã nhiều khi phải đối diện với hoàn cảnh hiểm nghèo của bệnh tật và nội chiến ở Phi châu để lập phòng thí nghiệm bào chế những dược phẩm căn bản như AZT, Nelfinavir để chống AIDS hoặc Artesunate kết hợp với Quinin dành cho bệnh nhân sốt rét.
 
Dr. Eloan Pinheiro (Brazil), Dr. Krisana Kraisintu (Thai Lan) là hai ngôi sao nhân quyền về y tế đã đòi được quyền sản xuất thuốc trị AIDS cho Á và Phi châu, và kết quả này đã giúp giảm thiểu 80% tử vong cho những người mang siêu vi HIV ở những thập niên 1990.
 
Qua những công tác đầy khó khăn và hy sinh của Dr. Krisana và Eloan để mang những dược phẩm căn bản đến cho các bệnh nhân của thế kỷ ở Phi và Á châu, chúng ta thấy các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện nay ở những nước phát triển đã đóng góp rất ít ỏi cho vấn nạn y tế của các nước chậm tiến. Phần lớn các chương trình nghiên cứu ở nước phát triển đã nhằm vào lợi ích kinh tế cho các nhu cầu y tế của họ. Từ các tổng kết cho thấy nỗ lực bảo vệ quyền y tế cho những người nghèo khởi xướng từ Brasil và Thái Lan ở những năm 1990 đã giúp giảm thiều 80% số tử vong ở nước họ vì bệnh AIDS. Những thành tựu của Dr. Krisana va Eloan cũng đã tạo được một tiền đề cho các nước kém phát triển làm giảm thiểu sự chi phối của những hãng dược phẩm quốc tế, đặc biệt đối với dược phẩm cho những bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng trên một số lớn quần chúng do các dịch tể gây ra.
Việt Nam chúng ta là một nước mà đại đa số dân chúng còn có mức sống kinh tế thấp, chương trình phát triển công nghệ của hang NanoGen để tạo các sản phẩm sinh học đặc trị cho những bệnh hiểm nghèo như ung thư, và các dịch tể là một thành quả rất cần thiết về mặt y tế, và đó cũng là những đóng góp quan trọng cho mục tiêu phát triển khoa học ở Việt Nam. Phản kháng của Roche cần được cứu xét ở nhiều khía cạnh và mức độ gồm so sánh sự khác biệt về đặc tính khoa học giữa hai sản phẩm interferon của Roche và NanoGen; ngoài ra cần đánh giá đúng nhu cầu cấp thiết sản xuất interferon nội địa cho các bệnh hiểm nghèo ở Việt Nam. Về thực tế, vì tiềm năng lớn lao của công nghệ sinh học, Việt Nam cần khai triển tối đa công nghệ này để tạo nội lực y tế cho việc phòng ngừa và chữa trị cho dân chúng như Cuba đã thực hiện được. Việc triển khai công nghệ chuẩn đoán bằng gen và kháng thể, chương trình trị liệu bằng sản phẩm của công nghệ tái tổ hợp gen, kháng thể đơn dòng hoặc dung tế bào tua miễn dịch (Dendritic cell), tế bào gốc sẽ có những tác động tích cực và lớn lao cho việc cải tiến y tế ở Việt Nam. Đạt được các mục tiêu khoa học trên trong hoàn cảnh và điều kiện hiện tại của đất nước không chỉ đòi hỏi kiến thức khoa học và kinh nghiệm kỹ thuật mà còn cần sự hợp tác đa phương trong và ngoài nước và sự tham gia đầu tư của những hãng dược phẩm nội đia. Với sự khai triển kỹ thuật cao và với lợi thế về nhân sự và môi trường bệnh lý, nghiên cứu dược phẩm sinh hoc ở Việt Nam có thể đóng vai trò tích cực trong nỗ lực chung ở Á và Phi châu để giải quyết những vấn nạn y tế cho Việt Nam và chia sẻ cho toàn vùng. 
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thái

Số lượt người xem: 390Bản in Quay lại
Xem theo ngày:

SỐ LƯỢT TRUY CẬP