Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Navigate Up
Sign In

 

Ngôn ngữ: Việt Nam | English
 
Website Hữu ích
Công nghệ sinh họcThứ 3, Ngày 31/01/2012, 08:00

Trương Thị Diệu Hồng - “Bà Nano” của Việt Nam

Trương Thị Diệu Hồng - “Bà Nano” của Việt Nam (31/01/2012)

“Người Việt Nam có thừa trí thông minh, nhưng điều kiện giúp họ có đất sáng tạo lại không nhiều".

Sự nghiệp của bà bắt đầu từ việc nghiên cứu các loại thuốc chữa bệnh
bằng phương pháp cổ truyền: y học dân tộc tại Đại học Y dược TP.HCM.

Nghiên cứu về ngành y học dân tộc, làm giám đốc công ty nghiên cứu, chẩn đoán bệnh nổi tiếng ở Việt Nam, bà Trương Thị Diệu Hồng vẫn luôn trăn trở cách giúp đỡ những người mắc bệnh tiểu đường, một trong năm căn bệnh thời đại hiện nay. Đó là lý do ra đời của ba loại thực phẩm chức năng ứng dụng công nghệ nano lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và có thể cũng là lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới.

Sau thời gian làm việc ở đây, bà thấy nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị nhưng thật uổng phí vì không được áp dụng vào thực tế. Thấy tiếc trí tuệ, công sức đã bỏ ra, bà nghỉ việc và mời một số cán bộ ở trường hùn vốn mở Công ty Nam Khoa chuyên nghiên cứu, chẩn đoán bệnh.

Với những nghiên cứu mới cộng với trang bị máy móc hiện đại, Nam Khoa trở thành một trong rất ít công ty tại Việt Nam có những phương pháp chẩn đoán tương đương với các nước trên thế giới, như chẩn đoán ở mức phân tử, công nghệ gene...

Dù Nam Khoa đã khá nổi tiếng nhưng bà Diệu Hồng vẫn ấp ủ, vẫn đau đáu về việc phải làm sao nghiên cứu ra những sản phẩm từ những loại thực phẩm, cỏ cây trong thiên nhiên để chữa bệnh cho mọi người.

Nghiên cứu nhiều về lĩnh vực y học cổ truyền, bà thấy các bài thuốc trong dân gian có rất nhiều và rất hay nhưng không được lưu truyền rộng rãi. “Muốn tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực này, phải kết hợp được y học cổ truyền và hiện đại”, bà nghĩ thế.

Tình cờ được làm quen với TS. Nguyễn Chánh Khê, người có gần 40 bằng sáng chế về nano, bà nảy ra ý nghĩ áp dụng công nghệ nano, một nghiên cứu hiện đại nhất hiện nay, vào những bài thuốc cổ truyền để có những sản phẩm hỗ trợ điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Khi tìm hiểu về công nghệ mới này, bà rất hứng thú và nghĩ mình phải bằng cách nào đó áp dụng được công nghệ này vào thực phẩm. Sau nửa năm trăn trở, suy nghĩ, nghiên cứu với đủ loại cỏ cây, cuối cùng bà tìm ra một hướng mới: kết hợp các loại đậu và trái khổ qua để làm ra những sản phẩm hỗ trợ người mắc bệnh tiểu đường - một trong năm căn bệnh thời đại hiện nay.

Các loại đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu trắng, đậu nành, khổ qua... đều là những loại thực phẩm được mọi người sử dụng hằng ngày, rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, trái khổ qua có tác dụng làm hạ đường huyết, rất tốt cho những người bệnh tiểu đường.

Thế nhưng, nhiều người thường xuyên ăn khổ qua mà đường huyết lúc hạ, lúc không. Vậy làm sao để những loại thực phẩm này được đưa vào cơ thể một cách trọn vẹn nhất, phát huy tác dụng tốt nhất. Đó chỉ có thể là nano.

Nhiều tháng liền suy nghĩ, cuối cùng bà cũng tìm ra được phương pháp: dùng nano canxi như một cỗ xe để đưa thực phẩm vào cơ thể. Do ở mức rất nhỏ nên các loại thực phẩm không bị phân hủy trong quá trình tiêu hóa, mà được đưa thẳng đến các cơ quan thích hợp và phát huy tác dụng.

Trên thế giới, cacbonat canxi được sử dụng rất phổ biến và mọi người vẫn thường xuyên uống viên sủi canxi để bổ sung canxi cho cơ thể. Canxi có đặc điểm là vào cơ thể hay bị kết dính, tạo ra sạn thận nhưng nếu được tách ra rất nhỏ, lại được bao bởi những chất khác nhau thì khả năng kết dính gây sạn thận không còn.

Phương pháp bọc canxi nano là một bí quyết quan trọng nhất, hay nhất mà bà Diệu Hồng đã nghĩ ra và có lẽ đây cũng là sáng chế đầu tiên và duy nhất trên thế giới.

Lúc đầu bà nghĩ mình mạo hiểm, nhưng sau đó bà tin mình đã lựa chọn đúng vì rất đông người cần đến sản phẩm này. Chưa có thống kê chính thức từ các cơ quan chức năng, nhưng ước tính có khoảng 4 - 5 triệu người mắc bệnh tiểu đường.

"Tuổi người bệnh ngày càng trẻ hơn, gầy cũng tiểu đường, béo cũng tiểu đường... Tiểu đường đứng hàng thứ 5 trong các loại bệnh được xem là kẻ giết người hiện nay. Vì vậy, tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó để phần nào giúp giảm được bệnh này”, bà Diệu Hồng chia sẻ.

Theo bà Hồng, công nghệ nano thì y học hiện đại đã làm rồi, còn các bài thuốc từ khổ qua, các loại đậu thì các cụ thời xưa cũng đã sử dụng.

“Có rất nhiều tài liệu nói về tác dụng hạ đường huyết của khổ qua. Thế nhưng, nhiều người ăn khổ qua hoài mà đường huyết không hạ. Có lẽ do dược chất đã bị hủy qua đường tiêu hóa. Tất cả những chuyện mình làm đều có cơ sở”, bà Hồng khẳng định.

Dù đã nghiên cứu khá kỹ trước khi sản xuất, nhưng là người cầu toàn nên bà Hồng vẫn tiếp tục nghiên cứu để sản phẩm ngày càng hoàn chỉnh hơn. Phải làm thế nào để hạt nano canxi được bao nhiều nhất những hoạt chất cần đưa vào cơ thể, hay phải biết sử dụng sản phẩm vào thời điểm nào là tốt nhất, ổn nhất?

Sau ba sản phẩm đầu tiên ứng dụng công nghệ nano thành công, bà Hồng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra nhiều sản phẩm hơn nữa. Ba lĩnh vực hướng đến trong tương lai là các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc trẻ em.

Bà Hồng cho rằng, những năm gần đây, những nghiên cứu của Việt Nam có thể so sánh với các nước và có những ngành không thua kém. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chẩn đoán, những phương pháp chẩn đoán mới tương đương với nước ngoài, còn ở lĩnh vực nano thì Việt Nam cũng khá nổi tiếng.

“Người Việt Nam có thừa trí thông minh, nhưng điều kiện giúp họ có đất sáng tạo lại không nhiều. Kể cả khi họ đã sáng tạo, đã có những phát minh mới nhưng vẫn phải tự mình bươn chải.

Thêm vào đó, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp chưa liên kết được với nhau, nên vẫn chưa có nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tế. Nếu sớm giải quyết được những khó khăn này, tôi tin khả năng khoa học ứng dụng của Việt Nam sẽ phát triển mạnh”, bà Hồng tự tin cho biết.


Theo HỒNG NGA
Doanh nhân Sài Gòn

 


Số lượt người xem: 425Bản in Quay lại
Xem theo ngày:

SỐ LƯỢT TRUY CẬP