Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Navigate Up
Sign In

 

Ngôn ngữ: Việt Nam | English
 
Website Hữu ích
Công nghệ sinh họcThứ 5, Ngày 06/01/2011, 16:15

Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Hoạt động Khoa học (Bộ Khoa học và Công nghệ), TS Nguyễn Đức Thái: Việt Nam cần thiết lập những kỹ thuật Công Nghệ Sinh Học nền tảng và tiên tiến

Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Hoạt động Khoa học (Bộ Khoa học và Công nghệ), TS Nguyễn Đức Thái: Việt Nam cần thiết lập những kỹ thuật Công Nghệ Sinh Học nền tảng và tiên tiến 

TS Nguyễn Đức Thái là người đã tìm ra gen đầu tiên (được đặt tên là TIGR) gây bệnh tăng nhãn áp (glaucoma) - nguyên nhân chính gây bệnh mù lòa cho khoảng 70 triệu người trên thế giới. Phát hiện gen TIGR (còn được gọi là gen Myoc) đã được cấp bằng phát minh tại Mỹ năm 1997 và được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng khoa học quốc tế. Cùng với hai nhóm nghiên cứu về tế bào học và di truyền học, TS Nguyễn Đức Thái đã đoạt Giải thưởng Rudi Lewin 1998, giải thưởng cao nhất hàng năm của Mỹ về nghiên cứu nhãn khoa. Cho đến nay, phát hiện về gen TIGR của ông và đồng nghiệp được nhiều trung tâm nghiên cứu nhãn khoa ở các nước tiếp tục nghiên cứu để áp dụng cho chẩn đoán và điều trị. Với việc khám phá gen TIGR, ông có lẽ cũng là người người Việt Nam duy nhất đóng góp một gen có bệnh lý quan trọng cho Bộ gen Người (được hoàn thành và công bố năm 2001).
Đầu năm 2010, TS Nguyễn Đức Thái được mời về nước tham gia tư vấn thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) tại Khu Công nghệ cao (CNC) TP Hồ Chí Minh. Ông đã có những chia sẻ tâm huyết với Tạp chí Hoạt động Khoa học về sự phát triển CNSH tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.

 
 
 
Phải chăng phát triển CNSH là một xu thế tất yếu của các quốc gia, thưa TS?
Đúng vậy, thế kỷ XXI đã được thế giới xác định là thế kỷ của CNSH. CNSH là lĩnh vực hàng đầu để giải quyết những vấn đề thiết yếu của xã hội, từ thực phẩm, y tế đến năng lượng và môi trường. Nhìn vào chính sách phát triển của nước láng giềng Trung Quốc, chúng ta dễ dàng nhận thấy họ đang triệt để khai thác CNSH để chạy đua với các cường quốc Âu, Mỹ. Đối với Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... CNSH cũng là khoa học nền tảng trong việc canh tân đất nước. Các nước châu Phi cũng đã lập những liên minh khoa học để phát triển CNSH phục vụ nông nghiệp và y tế nhằm giải quyết nạn khan hiếm thực phẩm và phòng chống dịch bệnh.
TS đánh giá thế nào về sự phát triển của CNSH tại Việt Nam trong thời gian gần đây?
Theo tôi, CNSH của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, đã có những tiến bộ đáng kể. Theo quan sát của chúng tôi, CNSH của Việt Nam đã có 3 giai đoạn phát triển: Giai đoạn làm quen (1995­2000); giai đoạn triển khai các nghiên cứu (2000-2005) và sau đó cho đến nay là giai đoạn phát triển. Ơ hai giai đoạn đầu, chúng tôi nhận thấy CNSH Việt Nam được hình thành từ khái niệm sơ đẳng về gen và ứng dụng kỹ thuật PCR (tiêu biểu là ở Trường Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh và một vài trung tâm ở Hà Nội) và sau đó được triển khai rộng tới các lý thuyết về chức năng của gen, tế bào và các kỹ thuật gồm nhân bản gen, bằng phương pháp cloning, tổng hợp protein cho các đối tác quan trọng về y tế, nông nghiệp và môi trường. Ơ giai đoạn ba và hiện tại thì đã hình thành một số trung tâm CNSH trọng điểm và chương trình nghiên cứu có quy mô và chiến lược, tiêu biểu là những trung tâm đầu ngành như Viện CNSH (thuộc Viện KH&CN Việt Nam), Học viện Quân y, Trường Đại học Y Hà Nội, các Đại học Quốc gia. Ngoài ra một số cơ sở tư nhân gồm các hãng CNSH cũng có những phát triển tốt đẹp. Về cơ sở vật chất, đã có các trung tâm được trang bị những phương tiện hiện đại không thua kém các cơ sở ở nước ngoài, như GC-MS, Microarray, NMR và kính hiển vi điện tử độ phân giải cao đến cấp độ siêu vi và phân tử. Các trung tâm này ứng dụng những phương pháp CNSH để nghiên cứu những đề tài y sinh của Việt Nam. Từ đó đã có những thành quả và ứng dụng hữu hiệu về công nghệ mà phần lớn phục vụ cho chẩn đoán gen, tiêu biểu là các bộ kit chẩn đoán của hãng Nam Khoa được bán rộng rãi ở trong nước, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài. Về điều trị, đã có nhiều chương trình và nhiệm vụ nghiên cứu ở các trường đại học và trung tâm nghiên cứu. Hãng NanoGen ở Khu CNC TP Hồ Chí Minh ứng dụng phương pháp tái tổ hợp gen đã tạo được một số sản phẩm sinh học có giá trị chữa bệnh và kinh tế cao, gồm Interferon, Avastin, Rutaxin, Herceptin điều trị các bệnh ung thư. Đây là những dược phẩm sinh học tương đồng (biosimilar) với sản phẩm của các hãng CNSH lớn của những nước phát triển như Genentech hoac Amgen của Mỹ. Điều này cho chúng ta thấy, NanoGen đã khắc phục được kỹ thuật tái tổ hợp gen và quy trình sản xuất đa dạng đòi hỏi những cơ sở vật chất tốn kém để tạo sản phẩm sinh học đạt tiêu chuẩn quốc tế.. Thành quả này là một cột mốc quan trọng về kỹ thuật và sản xuất của CNSH ở Việt Nam.
 
Theo TS, giới khoa học trong lĩnh vực này đang gặp phải những khó khăn gì và biện pháp để tháo gỡ các khó khăn đó?
Như tôi vừa phân tích, chúng ta đã có được một số cơ sở trọng điểm với các kế hoạch nghiên cứu và phương tiện hiện đại. Tuy nhiên, CNSH của Việt Nam cần khắc phục nhiều vấn đề để các chương trình nghiên cứu có sức cạnh tranh, đặc biệt là đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết của xã hội. Chúng ta đã được nghe và biết nhiều về những khó khăn trong KH&CN ở Việt Nam như thiếu chuyên gia đầu ngành, hạ tầng cơ sở còn nghèo nàn, nguồn kinh phí hạn hẹp, các liên kết hợp tác không hữu hiệu... Cũng như ở nhiều nước châu Á, đây là những khó khăn ở giai đoạn đầu thường gặp phải trên con đường phát triển khoa học nói chung và chúng ta cần mau chóng khắc phục.

Làm việc với các chuyên gia tại San Francisco (Mỹ) năm 2010. Ảnh: Nguyễn Đức Thái.

 
Theo ý kiến của cá nhân tôi, khó khăn chính hiện nay nằm ở phần tổ chức nội dung và định hướng của các công trình nghiên cứu. Về phần nội dung, nói chung các kỹ thuật CNSH tiêu chuẩn đã được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả trong rất nhiều nghiên cứu ở Việt Nam. Các kỹ thuật RT-PCR, truy tìm đột biến gen, tạo ra các dòng vector để cải tiến chức năng tế bào động vật hay thực vật, kỹ thuật biệt hóa tế bào gốc cũng được triển khai tốt. Các nghiên cứu phần lớn được mô phỏng theo kết quả và nghiên cứu đã được thực hiện ở nước ngoài. Điểm thuận lợi là chúng ta sử dụng những gen có sẵn để thử nghiệm trên các đối tác bệnh lý ở Việt Nam. Tuy nhiên, ứng dụng này có thể dẫn đến những kết quả không phản ánh trung thực dự kiến về bản chất sinh học ở chủng tộc người Việt. Để đáp ứng, chúng ta cần có mô hình nghiên cứu độc lập qua áp dụng những kỹ thuật tổng thể và trung tính như microarray, genomic, proteonomic... để phát hiện những thay đổi của gen trong hệ thống sinh học của những đối tác nghiên cứu ở Việt Nam. Đó sẽ là một thách thức mới nhưng cần thiết. Trên thực tế, một số cơ sở ở Việt Nam đã có những trang thiết bị tiên tiến để thực hiện những nghiên cứu này, tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có sự kết hợp sâu rộng hơn giữa các nghiên cứu sinh học và thử nghiệm lâm sàng. Một chủ đề về biệt hóa tế bào gốc thành tế bào sản xuất insulin không thể thiếu kiến thức và kinh nghiệm bệnh lý của những nhà lâm sàng và miễn dịch học về bệnh tiểu đường. Nhìn xa hơn, về định hướng, chúng ta cần có những kế hoạch cụ thể để tích cực triển khai những nghiên cứu và kết quả hiện có. Một số công trình nghiên cứu ở Việt Nam đã đạt được kết quả ban đầu như tạo được một số enzymes, protein hoặc dược phẩm, và gần đây là việc lập được quy trình biệt hóa tế bào gốc ở một số phòng thí nghiệm trọng điểm. Chúng ta cần lập những kế hoạch rất thực tế và nhanh chóng triển khai các công trình này thành sản phẩm ứng dụng cho điều trị. Để thực hiện, chúng ta cần tổ chức hệ thống đánh giá các kết quả bằng thử nghiệm sinh học dùng sinh vật như chuột bạch, khỉ và hệ thống nghiên cứu lâm sàng ở người. Tiếp theo là việc triển khai sản xuất (bioprocessing) để có được những sản phẩm đưa ra thị trường.
Cho đến nay, Việt Nam còn rất thiếu các phương pháp thử nghiệm sinh học và quy trình đưa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Đây là định hướng vĩ mô về sản xuất và cần sự lưu tâm, hỗ trợ ở tầm quốc gia. Theo chúng tôi, Việt Nam cần theo mô hình phát triển CNSH của những nước tiên tiến, theo đó các hãng dược phẩm đầu tư mạnh mẽ cho những chương trình tiềm năng để đưa vào sản xuất. Sau đó, một số lớn các hãng cùng trực tiếp tham gia các chương trình nghiên cứu sinh học và trở thành những hãng sinh - dược học (biopharmaceutical) với những sản phẩm có hiệu lực điều trị cao và giá trị kinh tế hàng tỷ USD. Khoảng 80% số hãng dược ở Mỹ và châu Âu đã trở thành trung tâm nghiên cứu và sản xuất sản phẩm sinh học. Chính phủ cần có kế hoạch hỗ trợ đầu tư và các điều luật khuyến khích hợp tác giữa trường đại học, trung tâm nghiên cứu và các hãng dược Việt Nam, để công nghệ dược Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào xu hướng toàn cầu. Theo định hướng này, các tài trợ của Chính phủ sẽ được dành để đẩy mạnh những nghiên cứu cơ bản ở các trường đại học. Đây là việc làm cần thiết cho việc phát triển CNSH vững bền và tiến bộ cho Việt Nam. Một khó khăn quan trọng khác đó là việc công bố các công trình và kết quả nghiên cứu của chúng ta. Qua báo cáo ở các hội nghị, chúng tôi nhận thấy một số kết quả nghiên cứu có đủ điều kiện và chất lượng để đăng tải ở những tạp chí chuyên ngành quốc tế, vì vậy chúng ta cần có một cơ chế thích hợp để các kết quả này được phổ biến rộng rãi ở tầm quốc tế. Ở trong nước, chúng ta cần tập trung cho một số tạp chí chuyên ngành sinh học đạt tiêu chuẩn quốc tế, như dùng tiếng Anh và mời những GS đầu ngành ở Việt Nam và nước ngoài vào ban kiểm duyệt. Chúng ta cũng cần triển khai những hợp tác và liên hệ quốc tế như chương trình mạng lưới sinh học châu Á -Thái Bình Dương (Asia-International Molecular Biology Network -A-IMBN), cơ quan này có hệ thống thông tin các báo cáo khoa học trên mạng và họ có hợp tác với Nhà xuất bản Nature.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào những hướng nghiên cứu nào để phù hợp và đón đầu được tương lai, thưa TS?
Đây là câu hỏi lớn và quan trọng, cần được sự thảo luận rộng rãi trong cộng đồng khoa học. Chúng tôi chỉ xin chia sẻ một số nhận định theo kiến thức và kinh nghiệm cá nhân. CNSH của thế giới ngày nay đã có những đột phá và tiến bộ nhanh, có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội. Tuy nhiên, những tiến bộ này có những giá trị và ứng dụng đặc biệt mà chúng ta cần hiểu rõ về những ưu và khuyết điểm để triển khai có hiệu quả ở Việt Nam. Một ví dụ điển hình là, ngày nay CNSH có thể tạo được những phân tử (thường được biết là aptamer, antisenseva RNAi) có mối quan hệ (affinity) rất cao đối với thụ thể (receptor) của những tế bào ung thư và có thể dễ dàng tiêu diệt các tế bào này ở điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả của những nghiên cứu này thường được đề cao có tiềm năng điều trị các bệnh ung thư, tuy nhiên chúng ta cần thận trọng trong kế hoạch triển khai các đề tài này ở Việt Nam vì đặc tính dược học cần thiết dùng cho bệnh nhân của các phần tử này chưa được nghiên cứu thành công. Trên thực tế, chỉ có rất ít ứng dụng điều trị và trong điều kiện hiện nay, các phân tử aptamer, antisenseva RNAi chỉ có ứng dụng cho các thí nghiệm tìm hiểu về cơ chế bệnh lý và cần có thêm nhiều nghiên cứu, thời gian để trở thành dược liệu cho nên các phân tử này chưa thể là đề xuất cho điều trị ung thư ở Việt Nam. Hiện có nhiều công nghệ gen khác có tiềm năng cao về ứng dụng cho điều trị, nhưng cần được đánh giá đúng mức để triển khai ở Việt Nam. Trong đó có công nghệ protein tái tổ hợp (recombinant protein) để sản xuất dược liệu và vacxin, công nghệ kháng thể đơn dòng, các công nghệ điều trị dùng tế bào gốc, tế bào miễn dịch và liệu pháp gen. Những công nghệ này đã được triển khai ở nhiều nước tiên tiến và có ứng dụng quan trọng trong nhiều lĩnh vực y tế trên thế giới. Chẳng hạn như, công nghệ vacxin điều trị ung thư của Gardasil có khả năng ngăn ngừa ung thư tử cung bằng cách tạo kháng thể chống siêu virus Papiloma ở người (human papiloma virus -HPV). Công nghệ này tạo kháng nguyên giống siêu virus VLP (virus like particle) đang được triển khai mạnh ở nhiều trung tâm và một số hãng CNSH để tạo ra vacxin VLP thế hệ mới chống nhiều siêu vi khác, gồm các dịch cúm như H1N1, H5N1 và nhiều loại khác. Trong môi trường y tế Việt Nam, vacxin VLP là một đối tượng rất cần được lưu tâm vì những đặc tính vượt trội so với vacxin cổ điển về sức đề kháng cao và quy trình sản xuất nhanh chóng, giản tiện. Kháng thể đơn dòng là thuốc trị nhiều bệnh hữu hiệu nhất hiện nay, đặc biệt là những bệnh hiểm nghèo như ung bướu hoặc các bệnh tự nhiên (autoimmune disease), đó còn là một phương pháp chẩn đoán chính xác để xác định bệnh. Ngoài ra, kháng thể đơn dòng là một công cụ rất hữu dụng và cần thiết để các nhà nghiên cứu tiến hành các công trình nghiên cứu sinh học. Chúng tôi được biết, Việt Nam đang ở giai đoạn khởi sự tạo kháng thể đơn dòng. Đây là công nghệ gồm nhiều phân đoạn và tiến trình phức tạp. Trong điều kiện ở Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học và cơ sở nghiên cứu, nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí. Đặc biệt, hiện có sự cạnh tranh rất lớn trong công nghệ kháng thể đơn dòng trên thế giới (hiện khoảng một ngàn kháng thể đơn dòng và trong đó có vài trăm đang được thử nghiệm lâm sàng cho các bệnh ung thư). Tuy nhiên vì các thử nghiệm thực hiện trên các đối tác nước ngoài nên các kháng thể đơn dòng thường không có tác dụng tương đồng về trị liệu ở người Việt, ngoài ra một số có thể bị kháng thuốc trong trường hợp bệnh lý ở Việt Nam. Vì tiềm năng ứng dụng điều trị và kinh tế rất cao của kháng thể đơn dòng, chúng ta cần có chiến lược thực tế và quy mô cho các nghiên cứu nhằm bám sát các đối tác sinh học bệnh lý ở Việt Nam để thiết lập hữu hiệu các chương trình nghiên cứu kháng thể đơn dòng...

Với các sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh)

 
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị triển khai công nghệ tế bào tua (được gọi là Dendritic Cell - DC) để nghiên cứu điều trị bệnh ung thư. Theo phương pháp này, người bệnh được chữa trị bằng chính tế bào miễn dịch của họ nên độ an toàn cao hơn so với cách điều trị ung thư bằng hóa trị hay xạ trị. Công nghệ này đã được nghiên cứu thành công và hiện đang được dùng để điều trị ung thư ở một số nước, trong đó có Mỹ. Điều quan trọng là kỹ thuật DC có những điểm tương đồng với kỹ thuật tế bào gốc đang được thực hiện ở Việt Nam, cho nên chúng ta có nhiều khả năng triển khai được công nghệ này. Chúng ta cũng có rất nhiều trường hợp và các loại bệnh ung bướu để thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu năng điều trị của DC. Việt Nam có thể đón đầu một số ứng dụng điều trị của công nghệ gen. Giá trị của các nghiên cứu sinh học ngày nay thường tùy thuộc vào đối tác bệnh lý được nghiên cứu, cho nên nếu chúng ta triển khai những ưu điểm về bệnh lý ở Việt Nam như tính đa dạng, mẫu vật phẩm dồi dào và với một cơ chế linh động để áp dụng cho các thử nghiệm lâm sàng, thì chúng ta có thể đạt được những thành quả mới có giá trị khoa học và ứng dụng tốt đẹp. Bằng ưu điểm thử nghiệm lâm sàng, Trung Quốc đã đạt được thành tích vượt trội so với các nước Mỹ và Nhật Bản về liệu pháp gen, qua nghiên cứu dùng gen P53 cho bệnh ung bướu. Tương tự, mới đây Cuba đã thành công trong việc tạo vacxin chống ung thư phổi từ ứng dụng protein tái tổ hợp FGF làm kháng nguyên. Ngoài ra, các sản phẩm sinh học của hai nước này, từ chẩn đoán đến điều trị, đều có giá thành rất thấp do có đội ngũ nghiên cứu lớn và chi phí sản xuất thấp, đã góp phần quan trọng cho phòng ngừa điều trị trong y tế của họ.
Tóm lại, chúng ta cần nhanh chóng thiết lập những kỹ thuật CNSH nền tảng và tiên tiến mà thế giới đang sử dụng như protein tái tổ hợp, vacxin VLP, kháng thể đơn dòng, tế bào gốc và tế bào tua DC để nghiên cứu và tạo sản phẩm cho các đối tác bệnh lý ở Việt Nam. Các kết quả này sẽ mang lại những giá trị khoa học đặc thù của Việt Nam và góp phần nâng cao trình độ CNSH và y tế của đất nước.
 
TS có thể chia sẻ đôi chút về công việc của mình và các cộng sự tại Khu CNC TP Hồ Chí Minh?
Tại Khu CNC TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đang trong giai đoạn tổ chức chương trình nghiên cứu với mục tiêu triển khai các công nghệ tạo vacxin VLP cho các đối tác dịch cúm ở Việt Nam, thiết lập các quy trình làm kháng thể đơn dòng cho chẩn đoán và điều trị, triển khai công nghệ dùng tế bào tua DC cho điều trị một số bệnh ung bướu. Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai hợp tác về huấn luyện và đào tạo với một số trường đại học và cơ sở nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Chúng tôi hợp tác với thành phố San Francisco (Mỹ) để lập chương trình đầu tư CNSH với Khu CNC TP Hồ Chí Minh vì đây là một môi trường công nghệ rất tốt cho đầu tư và chuyển giao công nghệ với các đối tác nước ngoài.
 
Xin cảm ơn TS.
Nguồn: Bài đăng trên chuyên mục: Gặp gỡ nhà khoa học của
Tạp chí Hoạt động khoa học Số 12.2010 do tác giả MN thực hiện


Số lượt người xem: 765Bản in Quay lại
Xem theo ngày:

SỐ LƯỢT TRUY CẬP