Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Navigate Up
Sign In

 

Ngôn ngữ: Việt Nam | English
 
Website Hữu ích
Công nghệ sinh họcThứ 2, Ngày 11/07/2011, 16:20

Tiến sĩ Phan Toàn Thắng và Công trình nghiên cứu tách tế bào gốc từ màng cuống rốn

Tiến sĩ Phan Toàn Thắng và Công trình nghiên cứu tách tế bào gốc từ màng cuống rốn (11/07/2011)

Công trình nghiên cứu tách tế bào gốc từ màng cuống rốn từng gây tiếng vang lớn trên thế giới năm 2005 là nỗ lực của một nhà khoa học gốc Việt: Tiến sĩ Phan Toàn Thắng.

Mùa hè năm 2005, nhiều tờ báo chuyên ngành y học lớn trên thế giới đưa tin: Một công ty công nghệ sinh học tại Singapore đã nghiên cứu thành công công nghệ tách tế bào gốc từ màng cuống rốn. Tác giả phát minh đó là nhà khoa học gốc Việt làm việc tại Singapore: Tiến sĩ Bác sĩ Phan Toàn Thắng. Với thành công này, Công ty CordLabs Pte Ltd (Singapore), nơi Tiến sĩ Thắng làm Giám đốc Khoa học lúc đó, đã bỏ ra 200.000 USD để đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu Bản quyền Mỹ.

Phát minh được các cường quốc công nhận

Câu chuyện về công trình của nhà khoa học này thật giản dị. Năm 1995, khi đang làm việc tại Viện Bỏng Quốc gia Việt Nam, ông được cử sang Anh thực tập nghiên cứu về công nghệ nuôi cấy tế bào da tại Đại học Oxford. Chính môi trường nghiên cứu tại Oxford đã giúp khởi đầu cho những giấc mơ làm khoa học công nghệ cao trong ông. Năm 1997, ông sang Singapore làm nghiên cứu tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Singapore. Tại đây, từ nghiên cứu tế bào da để chữa trị cho bệnh nhân bỏng, ông chuyển sang nghiên cứu tế bào giác mạc mắt.

Năm 2000, công nghệ tế bào gốc phát triển rất mạnh mẽ và trở thành xu hướng mới trong nghiên cứu khoa học của thế giới. Hơn 60.000 tỉ tế bào trên mỗi cơ thể người sẽ bị chết, lão hóa, hoặc tổn thương và cần được thay thế. Việc tìm tế gốc từ tế bào trưởng thành được nhiều nhà khoa học thực hiện và không đạt chất lượng như mong muốn trong khi giá thành lại quá cao.

“Phải tìm hướng đi khác, làm thế nào để vừa có tế bào gốc chất lượng nhưng giá thành không cao. Phôi thai sẽ là nguồn nghiên cứu tốt nhưng khó được chấp nhận bởi liên quan đến tính nhân đạo và tôn giáo. Cuối cùng, tôi tìm thấy nguồn mô lớn từ nhau thai”, ông Thắng tâm sự.

Năm 2005, báo chí Singapore và các nước gọi Tiến sĩ Thắng là nhà khoa học đầu tiên tìm được tế bào gốc từ cuống rốn. Tuy nhiên, chính thông tin này lại khiến không ít người ngần ngại, bởi trong khoa học, để chứng minh được chủ nhân một phát minh, phải mất một thời gian dài và cả lượng tài chính lớn để được chấp nhập sở hữu bản quyền. Đặc biệt, khi nghiên cứu này được công bố bởi một nhà khoa học gốc Việt Nam, việc đăng ký càng gặp không ít khó khăn hơn. “Thói quen của nhiều người trên thế giới khi nói đến Việt Nam thường nghĩ đó là vùng đất chịu nhiều mất mát từ các cuộc chiến tranh và nay đã hòa bình thì họ biết thêm “thương hiệu” nhân công giá rẻ”, ông Thắng bộc bạch.

Đăng ký sở hữu trí tuệ ở Mỹ đầu tiên vào năm 2004, đến nay, kết quả nghiên cứu đã được đăng ký tại nhiều quốc gia như: Anh, Nga, Úc. Hiện nay, dự án đang ở giai đoạn phản biện cuối cùng tại một số nước châu Âu, Mỹ và Nhật. “Các cường quốc công nhận phát minh của tôi. Và tại các nước đó, việc đăng ký bản quyền không gặp khó khăn”, ông nói.

Chi phí đăng ký bản quyền đến nay đã lên đến gần 300.000 USD. Ngoài ra, tác giả còn liên tục đầu tư vào nghiên cứu để có những bằng chứng khoa học, chứng minh cho hiệu quả của công nghệ trên các ứng dụng khác nhau. “Nếu thương mại hóa thành công, con số thật sự quá nhỏ so với thị trường rất lớn đang có nhu cầu sử dụng công nghệ tế bào gốc”, ông Thắng nói thêm. Theo ông, công nghệ tế bào gốc không chỉ được sử dụng cho các sản phẩm làm đẹp, chống lão hóa, mà còn được ứng dụng để sản xuất thuốc điều trị tổn thương gan, tim, mắt…

Từ thành công này, năm 2009, Chính phủ Singapore đã phê duyệt 20 triệu đô la Singapore để xây dựng dự án nghiên cứu, bào chế thuốc từ tế bào gốc theo công nghệ y sinh do ông Thắng làm chủ nhiệm. Dự án kéo dài 5 năm, từ 2009-2014, được hợp tác với Viện Khoa học Công nghệ Israel.

Nhà khoa học làm doanh nhân

Vài nét về Tiến sĩ Phan Toàn Thắng
Sinh năm 1968 tại Hà Nội. Năm 1991 sau khi tốt nghiệp Học viện Quân Y, Hà Nội, ông công tác tại Viện Bỏng Quốc gia. Từ năm 1995-1997, thực tập sinh tại Bộ môn Da liễu, Đại học Oxford, Anh. Từ năm 1997-2002, công tác tại khoa phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình, Bệnh viện đa khoa Singapore. Từ năm 2002-2004, công tác tại Hagey Laboratory về Y học tái tạo, Đại học Stanford, Mỹ. Từ năm 2004 đến nay, công tác tại bộ môn ngoại, Đại học Y khoa Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore.

Mục đích cuối cùng của công trình, theo ông Thắng là phải tạo ra sản phẩm có chất lượng và không quá đắt tiền.

Để việc thương mại hóa một nghiên cứu khoa học thành công, ông Thắng lập CellResearch Corp vào năm 2004. Công ty này có nhiệm vụ giao dịch với mọi đối tác muốn chuyển giao công nghệ tế bào gốc từ màng cuống rốn để làm thương mại. Ứng dụng lớn nhất của công nghệ này phải được sử dụng để chữa trị các bệnh nan y.

Theo nhà khoa học và cũng là doanh nhân này, để thương mại hóa thành công, cần tiến hành theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là lưu trữ tế bào gốc từ cuống rốn và CellResearch Corp cung cấp dịch vụ này cho nhiều công ty tại Ấn Độ, Hồng Kông, Đài Loan, Úc, Mỹ để sản xuất mỹ phẩm dưỡng da. “Đây cũng là thị trường hấp dẫn nhất cho các nhà kinh doanh. Tuy nhiên, đây là công nghệ đang “nóng” bởi sản phẩm được làm từ tế bào gốc thường rất được ưa chuộng. Nên xét về mặt kinh doanh, sẽ có không ít cạnh tranh trên thương trường”, ông nói.

Giai đoạn thứ 2 là thực hiện các nghiên cứu ngắn, tạo nên sản phẩm tăng chức năng chuyển hóa trong cơ thể.

Giai đoạn thứ 3 là ứng dụng công nghệ tế bào gốc để chưa trị các bệnh tổn thương về não, gan, tim, tụy... Đây chính là giai đoạn quan trọng và lâu dài nhất. Đây cũng là mục tiêu nhà khoa học này muốn thực hiện tại Việt Nam và các nước trong khu vực trước khi đưa ra thế giới.

Tại Việt Nam, do nhiều lợi thế ở sân nhà, nên chi phí chuyển giao công nghệ tế bào gốc cho các công ty trong nước chỉ khoảng 1/3 so với các nước khác. Đối với các công ty ứng dụng làm mỹ phẩm dưỡng da, thông thường nhà chuyển giao công nghệ có thể thu từ 10-15% trên mỗi sản phẩm bán ra.

Ông Thắng cũng hài lòng với kết quả thương mại hóa công trình nghiên cứu qua việc chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm làm đẹp, chống lão hóa cho Công ty FNC (thuộc Tập đoàn FPT) sản xuất và tiêu thụ trong nước. Sản phẩm dưỡng da JuviSkincare được bán tại Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2008 đạt doanh thu 500 triệu đồng; đến năm 2009 thu được 10 tỉ đồng và năm 2010 xấp xỉ 58 tỉ đồng. Kế hoạch 2011, theo ông Thắng, vào khoảng hơn 100 tỉ đồng. Ông cho rằng, tốc độ tăng trưởng của sản phẩm này khoảng 100% mỗi năm.

Theo Hằng Nga - Nhịp cầu đầu tư


Số lượt người xem: 851Bản in Quay lại
Xem theo ngày:

SỐ LƯỢT TRUY CẬP