Skip Ribbon Commands
Skip to main content

 

 
WEBSITE HỮU ÍCH
 
 
  • Lễ khởi công dự án Samsung HCMC CE Complex trong Khu Công nghệ cao
  • Một số hình ảnh cuộc thi Nét đẹp SHTP 2014
  • Một số kết quả hoạt động của Khu Công nghệ cao sau 12 năm thành lập - 24/10/2014
  • Làm chủ công nghệ để phát triển công nghệ cao (P1)
  • Làm chủ công nghệ để phát triển công nghệ cao (P.2)
  • Làm chủ công nghệ để phát triển công nghệ cao (P3)
  • Khóa container công nghệ RFID - Kết quả nghiên cứu giữa SHTPLabs và ICDREC
  • Chương trình Đối thoại chính sách: "Kinh nghiệm của Hàn Quốc về tài chính cho phát triển khoa học công nghệ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam" - P1
  • Chương trình Đối thoại chính sách: "Kinh nghiệm của Hàn Quốc về tài chính cho phát triển khoa học công nghệ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam" - P2
  • Chương trình Đối thoại chính sách: "Kinh nghiệm của Hàn Quốc về tài chính cho phát triển khoa học công nghệ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam" - P3
Thông tin BQLThứ 2, Ngày 02/05/2011, 10:20

Đầu tư công nghệ bán dẫn: Đừng để “trâu chậm uống nước đục”!

Vấn đề lớn nhất của chúng tôi hiện nay là luôn khát vốn đầu tư, còn vay ngân hàng thì lấy gì thế chấp, trong khi nguồn hỗ trợ của Nhà Nước vẫn còn khá khiêm tốn”, ông Võ Hữu Hải, Tổng Giám đốc Công ty Bán dẫn Việt Nam, cho biết.

Gian truân chuyện vốn

Trong những năm qua, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chế tạo hiện đại hay công nghệ cao của Việt Nam có xu hướng gia tăng, nổi bật là dự án nhà máy lắp ráp và kiểm định chip điện tử có vốn đầu tư cam kết 1 tỉ USD của Tập đoàn Intel (Mỹ), đã được khánh thành trong năm 2010. Mới đây là sự kiện khởi công nhà máy sản xuất module năng lượng mặt trời của Công ty First Solar (Mỹ) với số vốn 300 triệu USD tại Khu Công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ngoài ra, Khu Công nghệ Cao TP.HCM, nơi được xem là cửa ngõ thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghệ cao của khu vực phía Nam, trong quý I/2010 cũng đã có thêm 4 dự án mới với tổng vốn đầu tư cam kết khoảng 78 triệu USD.

Tuy nhiên, bức tranh đầu tư vào ngành công nghệ cao hiện chưa thực sự hoàn mỹ. Cơn khát vốn trong lĩnh vực bán dẫn vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Bắt đầu hoạt động từ tháng 3.2007 tại Khu Công nghệ Cao TP.HCM với vốn đầu tư khoảng 3 triệu USD, Công ty Bán dẫn Việt Nam là đơn vị liên doanh giữa Công ty PMT (Mỹ) và Công ty Chip Sáng (Việt Nam) theo tỉ lệ 50/50, chuyên thiết kế và sản xuất các sản phẩm công nghệ bán dẫn. Ông Hải cho biết: “Tính đến hết năm 2010, chúng tôi mới chỉ bán được 3 tỉ đồng sản phẩm thiết bị bán dẫn dùng chuyển đổi từ năng lượng mặt trời thành điện”.

Trong năm nay, Công ty sẽ tập trung vào các dòng sản phẩm chuyển đổi vi mạch thông minh, sản phẩm tiết kiệm năng lượng và chip bán dẫn dùng cho các sản phẩm bán dẫn IC. Hiện nay, Công ty rất cần vốn đầu tư bổ sung khoảng 1 triệu USD cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất sản phẩm mới nhưng chưa biết kiếm đâu ra số tiền này.

Vài tháng trước, một đại diện thuộc Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao cũng đã đề cập đến việc hỗ trợ vốn cho Công ty Bán dẫn Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có chuyển biến gì. Trong khi đó, việc kêu gọi vốn hỗ trợ từ các ban ngành liên quan khó cho thấy dấu hiệu khả thi. “Chúng tôi đang thật sự cô đơn”, ông Hải cho biết.

Mới đây, tại buổi tổng kết chương trình thử nghiệm phát triển “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ giai đoạn 2007-2010”, ông Đỗ Nam Trung, Phó trưởng Phòng Quản lý Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, đã nhấn mạnh lý do các vườn ươm hoạt động chưa hiệu quả là do còn tồn tại nhiều rào cản như chưa có pháp nhân, kế hoạch kinh doanh và nhất là tình trạng thiếu hụt nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư và tập đoàn kinh tế lớn.

Cùng nhận định với ông Trung, ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Công nghệ DFJV thuộc Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, cho biết vấn đề cốt lõi của ngành công nghệ bán dẫn trong nước là đầu tư vào R&D chứ không phải chỉ đầu tư cho các doanh nghiệp thiết kế sản phẩm rồi gửi đi để gia công ở nước ngoài. Nhưng việc đầu tư này khá tốn kém, có thể cần đến vài chục triệu USD, nên các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa muốn vào cuộc.

Vì vậy, theo ông Hải, Công ty Bán dẫn Việt Nam, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về vốn lẫn chính sách ngay từ đầu vẫn là vấn đề cốt lõi để ngành công nghệ bán dẫn có thể cất cánh tương tự trường hợp của các quốc gia trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc.
 

Giải pháp
Để Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp vào năm 2020, vấn đề sở hữu một ngành công nghệ bán dẫn tiên tiến là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, số vốn đầu tư vào ngành này hiện còn khá hạn chế, mới chủ yếu tập trung vào một số doanh nghiệp ở Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Ở Malaysia, ngay từ năm 1992, thời điểm nước này bắt đầu kêu gọi đầu tư vào dự án công nghệ cao quốc gia mang tên “Hành lang điện tử” ở thành phố Penang, nguyên Thủ tướng Mahathir Mohamed đã duyệt chi đến 100 triệu USD nhằm thu hút 100 công ty chuyên thiết kế các sản phẩm bán dẫn IC trên thế giới đến đầu tư.

Chính vì vậy, ngày nay, tại Penang đã có sự hiện diện của 10 nhà máy chuyên sản xuất sản phẩm bán dẫn công nghệ cao với số vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD/nhà máy. Và Malaysia đã vươn lên thành một quốc gia có ngành công nghệ điện tử khá mạnh trong khu vực Đông Nam Á, có thể chỉ xếp sau Đài Loan tại châu Á. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, với hiện trạng của ngành công nghệ bán dẫn trong nước, Malaysia đã đi trước Việt Nam khoảng 3 thập kỷ.

Trước mắt, theo ông Phúc Quỹ Đầu tư Công nghệ DFJV, ngoài phần hỗ trợ vốn của Nhà nước được hy vọng có thể khả quan hơn trong thời gian tới, các doanh nghiệp công nghệ bán dẫn nên tiếp tục nghiên cứu nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, khi muốn đầu tư họ sẽ xem xét đến phương án mua cổ phần của doanh nghiệp. Tại Trung Quốc, các công ty lớn như Intel và Nokia khi tham gia thị trường đều có các quỹ đầu tư đi theo như Intel Capital, Nokia Capital nhằm mục đích huy động vốn cho hoạt động đầu tư vào ngành công nghệ cao tại đây. “Tôi nghĩ đây cũng là một trong các giải pháp mà các doanh nghiệp ở Khu Công nghệ Cao có thể nghĩ tới để chấm dứt tình trạng vừa tập trung cho chuyên môn, vừa phải lo huy động vốn để hoạt động như hiện nay”, ông Hải, Công ty Bán dẫn Việt Nam, nói.

Bên cạnh việc tìm ra các giải pháp huy động vốn đầu tư vào ngành công nghệ bán dẫn trong nước, các doanh nghiệp trong ngành cũng rất cần một chính sách rõ ràng và nhất quán từ phía Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của họ. Đại diện một công ty trong nước về công nghệ bán dẫn (đề nghị không nêu tên) cho biết, trong tháng trước họ có xuất một số mẫu thiết kế của sản phẩm chuyển đổi năng lượng mặt trời sang Trung Quốc để gia công, nhưng khi nhập về Việt Nam bị đánh thuế 30% thay cho mức 0% như cam kết đối với các sản phẩm liên quan đến năng lượng sạch. Lý do là cán bộ hải quan không thể xác định đây là mặt hàng gì. “Những chuyện này chắc chắn sẽ làm giảm nhiệt huyết của các nhà đầu tư”, vị này nói.

Rõ ràng, tiềm năng của ngành công nghệ bán dẫn Việt Nam là rất lớn. Đây cũng là ngành góp phần không nhỏ vào tiến trình công nghiệp hóa của đất nước. “Một người bạn cho tôi biết mỗi năm, người tiêu dùng trong nước xài khoảng 200.000 bộ chuyển đổi điện từ 12V sang 220V, nhưng hiện chỉ có mỗi Công ty ASP sản xuất thiết bị này nên không đủ đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, anh này đã hợp tác với chúng tôi để làm 50.000 cái mỗi năm”, ông Hải, Công ty Bán dẫn Việt Nam, dẫn chứng.

Thế giới đang có sự phân công quốc tế rất chặt chẽ, nhưng nếu cứ diễn ra tình trạng này, tức cộng đồng doanh nghiệp lẫn Nhà nước không tăng tốc phát triển thật sự, thì ngành công nghệ bán dẫn Việt Nam có nguy cơ vướng vào tình thế “trâu chậm uống nước đục”.

 


Số lượt người xem: 95Bản in Quay lại
Xem theo ngày: