Để thúc đẩy sự hình thành các TBI và sớm đưa nó vào vận hành ở nước ta, nên tiến hành những công việc sau đây :
a) TBI là một mô hình hoàn toàn mới đối với các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp và các cấp chính quyền ở nước ta, trong khi đó người dân lại càng chưa có khái niệm về loại hình tổ chức này. Chính vì thế, việc trước tiên, và cực kỳ quan trọng là phải tổ chức tuyên truyền, quảng bá về loại hình tổ chức này trên tất cả các phương tiện đại chúng để mọi người cùng hiểu. Bộ KH&CN phải là cơ quan chủ trì thực hiện công việc có ý nghĩa này. Bộ cần giao cho các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu viết các bài giới thiệu trên báo, tạp chí, đài phát thanh và truyền hình Trung ương và địa phương về TBI, từ khái niệm, cho đến hình thức tổ chức, quản lý, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của nó, những lợi ích có thể mang lại cho đất nước, doanh nghiệp và người dân.
- Bộ KH&CN cũng có thể đứng ra mời các chuyên gia của các nước có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển các TBI sang Việt Nam giới thiệu, trao đổi với các trường đại học/viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp về cách thức tổ chức và phương thức hoạt động của loại hình vườn ươm này.
- Tổ chức việc biên dịch các tài liệu nói về TBI của các nước vận hành thành công, sau đó in và phát hành rộng rãi, tạo điều kiện cho công chúng làm quen với khái niệm TBI. Tạo ra môi trường tâm lý thuận lợi cho hình thức này ra đời và phát triển ở Việt Nam.
- Khuyến khích các trường đại học/viện nghiên cứu, các địa phương và các doanh nghiệp tìm hiểu và tổ chức các cuộc hội thảo nội bộ, rộng hơn là hội thảo quốc gia và quốc tế về TBI.
b) TBI là mô hình mới, bởi vậy chưa thể phát triển phổ biến ở tất cả các địa phương. Bước đi thích hợp có lẽ nên chọn ở một số địa phương thực sự có điều kiện để tiến hành làm thí điểm, sau một vài năm sẽ tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, nếu thấy quả là có hiệu quả thật sự, tức là giúp tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp mới ra đời, đưa được các tiến bộ kỹ thuật/công nghệ vào phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ một cách nhanh chóng, thì sẽ tiến hành nhân rộng. Các điều kiện cần có đối với những địa phương dự định chọn làm thí điểm là:
- Trước hết, địa phương đó phải có điều kiện khá thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế với các địa phương khác trong vùng, cũng như các vùng khác ở trong nước và quốc tế. Cụ thể hơn, địa phương đó phải nằm trên các trục giao thông chính, phải tương đối gần các sân bay, bến cảng, gần các trung tâm kinh tế tương đối sầm uất. Điều này là cực kỳ quan trọng, bởi lẽ các doanh nghiệp trong vườn ươm muốn tồn tại và phát triển được, thì phải tiếp cận dễ dàng với các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh. Mặt khác, việc tiêu thụ các sản phẩm cũng phải được thực hiện một cách nhanh chóng. Thị trường đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp ở đây cũng không chỉ đơn thuần là thị trường trong nước, mà phải gắn bó hết sức chặt chẽ với thị trường quốc tế, chỉ có như vậy các doanh nghiệp mới có điều kiện để cọ xát, thường xuyên đổi mới và nâng cao không ngừng năng lực cạnh tranh của mình.
- Hai là, địa phương phải có nhu cầu tương đối lớn về hình thành các doanh nghiệp mới, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Điều này liên quan đến rất nhiều khía cạnh KT-XH rất khác nhau:
+ Có thể địa phương là một trong những trung tâm công nghệ lớn, có khá nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đã được xây dựng và trong tương lai vẫn còn có khả năng tiếp tục phát triển. Do đó rất cần có các loại hình doanh nghiệp khác phục vụ cho các khu đó (doanh nghiệp thương mại, tư vấn, đầu tư, tín dụng, nhà hàng, khách sạn, du lịch, hoặc các doanh nghiệp sản xuất các phụ tùng thay thế…).
+ Có thể địa phương là nơi có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống lâu đời, nay trong nền kinh tế thị trường nhiều hộ gia đình muốn đầu tư phát triển thành các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
+ Nhiều người dân trong địa phương có kiến thức, có kinh nghiệm làm ăn, có mong muốn và quyết tâm làm giàu, sau một số năm hoạt động họ đã tích luỹ được một số vốn nhất định, nay muốn tự đứng ra thành lập các doanh nghiệp để có thể thử sức mình trong nền kinh tế thị trường sôi động… Nói cách khác, dân địa phương thực sự có khả năng và có tinh thần khởi nghiệp.
- Ba là, chính quyền địa phương phải nhận thức được lợi ích của việc hình thành các TBI và phải có sự hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả và cùng với các cơ quan khoa học, các doanh nghiệp bắt tay vào làm thực sự. Đây là yếu tố hết sức quan trọng bởi vì muốn có vườn ươm, chính quyền địa phương phải cấp hoặc cho thuê đất (tất nhiên thuê với giá ưu đãi), phải tạo điều kiện để cho vườn ươm có nhà, xưởng để hoạt động, phải hỗ trợ nó về mặt tín dụng, về thuế khoá, về đội ngũ cán bộ quản lý…
Nói cách khác, không có chính quyền địa phương tham gia thì khó có thể ra đời được các TBI tại đó.
- Bốn là, TBI phải được đặt gần trường đại học, trường cao đẳng hoặc viện nghiên cứu có uy tín. Điều này là rất cần, bởi lẽ vườn ươm là nơi để các doanh nghiệp tập dượt cách tổ chức, quản lý, hoạt động một doanh nghiệp, và cũng là nơi để các doanh nghiệp thử nghiệm một loại hình công nghệ nào đó thật thích hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp. Đội ngũ chuyên giai của các trường đại học, trường cao đẳng, viện nghiên cứu sẽ giúp họ thực hiện các vấn đề đó.
Như vậy, ít nhất phải có ba thành viên chủ chốt, đó là: doanh nghiệp- chính quyền địa phương và các trường đại học/viện nghiên cứu, thì TBI mới ra đời được.
Trong điều kiện của nước ta hiện nay, các địa phương sau đây có thể được chọn làm TBI thí điểm được:
- ở miền núi phía Bắc có thể chọn Thái Nguyên và Quảng Ninh. Thái Nguyên vừa có các khu công nghiệp quy mô lớn, vừa có nhu cầu phát triển doanh nghiệp, đồng thời lại có trường Đại học Thái Nguyên, với đội ngũ các nhà khoa học đông đảo về số lượng và đa dạng về nghề nghiệp chuyên môn. Quảng Ninh là tỉnh có nền kinh tế phát triển khá mạnh, có nhiều khu công nghiệp lớn, có cảng nước sâu và đặc biệt có Vịnh Hạ Long. Nơi đây người dân cũng rất có khả năng phát triển các loại hình doanh nghiệp. Quảng Ninh cũng là nơi có nhiều trường cao đẳng, trường dạy nghề. Các doanh nghiệp của tỉnh này cũng rất mong muốn đổi mới công nghệ sản xuất, kinh doanh.
- Vùng đồng bằng sông Hồng có thể chọn Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Tây. Đây là các địa phương có quan hệ mật thiết với nhau về kinh tế, văn hoá, xã hội, là trung tâm của nền kinh tế Việt Nam, là cái nôi của làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là người dân ở vùng này rất cần cù, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, trình độ dân trí cao, rất có quyết tâm trong việc vươn lên làm giàu một cách chính đáng.
- Vùng ven biển miền Trung nên chọn Đà Nẵng, vì ở đây có sân bay, bến cảng, có các khu công nghiệp lớn, người dân có tiềm lực kinh tế, cán bộ địa phương rất năng động, đồng thời có đại học vùng là đại học Đà Nẵng với đội ngũ cán bộ khoa học khá đông và khá đồng bộ về ngành nghề.
- Vùng Tây Nguyên nên chọn tỉnh Đắc Lắc, bởi lẽ ở đây nhiều doanh nghiệp có khả năng sẽ được ra đời trong những năm tới, đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của đại học Tây Nguyên.
- Vùng Đông Nam Bộ có thể chọn Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Đây là khu vực có nền công nghiệp lớn nhất đất nước, người dân lại rất có tiềm lực về kinh tế và có kinh nghiệm hình thành các doanh nghiệp. Đây cũng là một trung tâm khoa học công nghệ lớn của đất nước.
- Vùng đồng bằng sông Cửu Long nên chọn Cần Thơ, vì ở đây có thành phố lớn, các khu công nghiệp, có sân bay, bến cảng tốt nhất vùng, người dân cũng có điều kiện để phát triển các doanh nghiệp. Đặc biệt, nơi đây có trường Đại học Cần Thơ, rất có kinh nghiệm trong việc chuyển giao các tiến bộ KH&CN.
c) Để việc tổ chức thành lập các TBI thí điểm đạt được kết quả như mong muốn, Bộ KH&CN cần đặc biệt quan tâm giúp đỡ các địa phương, thậm chí Bộ có thể hình thành một bộ phận chuyên môn trực thuộc Bộ chuyên lo giúp các địa phương làm công việc này (bộ phận này mang tính ad hoc, chỉ tồn tại một số năm, khi hoàn thành thì giải thể). Việc giúp đỡ của Bộ đối với các địa phương nên tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau đây:
- Một là, chọn địa điểm để xây dựng vườn ươm. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, lúc đầu vườn ươm không cần có diện tích lớn lắm. Tuy nhiên, phải có tầm nhìn xa hơn, lâu dài hơn, tức là trước mắt thì không cần lớn, song nó có khả năng mở rộng khi có nhu cầu phát triển. Địa điểm xây dựng vườn ươm cũng không nên nằm trong các khu dân cư, song cũng không nên cách quá xa các khu dân cư, vì quá xa sẽ khó khăn cho việc tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp, công nhân các doanh nghiệp đi lại làm việc sẽ vất vả, đồng thời cũng khó tạo ra được những dịch vụ cần thiết để phục vụ cho các doanh nghiệp trong vườn ươm; như dịch vụ ăn uống, thương mại, tín dụng, chỗ ở... Trong giai đoạn ban đầu còn đang khó khăn, nếu tận dụng được một cơ sở công lập nào đó của Nhà nước không sử dụng nữa, rồi từ đó cải tạo đi là tốt nhất. Ngoài ra cũng phải hết sức lưu ý đến địa điểm xây dựng vườn ươm phải dễ tiếp cận với các cơ sở hạ tầng của địa phương và cả nước, như giao thông, điện, cung cấp và xử lý nước, thông tin liên lạc…
- Hai là, phải giúp các địa phương trong việc thành lập ban quản lý vườn ươm. Ban quản lý vườn ươm nên bao gồm đại diện của những thành phần tham gia, cơ quan thay mặt chính quyền địa phương trực tiếp giúp đỡ ban quản lý trong quá trình hoạt động, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, rành mạch. Việc này phải được tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ, để các địa phương quán triệt đầy đủ, nếu thực hiện một cách tự phát thì dễ dẫn đến thất bại;
- Ba là, phải giúp các vườn ươm xây dựng phương án hoạt động. Đây là vấn đề mới và rất khó đối với các ban quản lý vườn ươm, do đó phải có các chuyên gia tư vấn cho họ. Phương án hoạt động của vườn ươm phải đảm bảo được hai mục tiêu hết sức cơ bản, đó là: tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể ra đời và đi vào hoạt động; hai là phải chuyển giao được cho họ các công nghệ sản xuất tiên tiến, cũng như các phương thức quản lý doanh nghiệp hiện đại. Phương án hoạt động của vườn ươm phải được hoạch định một cách chi tiết, rõ ràng, có cơ sở khoa học và có tính khả thi. Điều này có nghĩa là phải có các phương án ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, phù hợp với điều kiện phát triển của vườn ươm trong từng giai đoạn cụ thể;
- Bốn là, phải cùng với địa phương giúp cho các vườn ươm tìm ra nguồn vốn ban đầu để phục vụ cho hoạt động bản thân TBI. Vốn để xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết ban đầu như: văn phòng, trụ sở cho các doanh nghiệp thuê để sản xuất, nhà kho, đường giao thông nội bộ, hệ thống cung cấp điện, cung cấp nước sạch, hệ thống thông tin kết nối với trong nước và quốc tế… trả lương cho ban quản lý và đội ngũ nhân viên giúp việc, vốn để mua sắm các thiết bị hoạt động thông thường và các chi phí thường xuyên hàng ngày. Khi vườn ươm đã đi vào hoạt động quy củ, vốn hoạt động cũng cần, song nó không khó, vì vườn ươm đã có nguồn thu thường xuyên và ổn định; khó nhất là nguồn vốn để phục vụ cho giai đoạn khởi nghiệp;
- Năm là, cùng địa phương giúp ban quản lý vườn ươm xây dựng quy chế hoạt động sao cho phù hợp, trong đó quan trọng nhất là các vấn đề chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của ban quản lý vườn ươm. Mối quan hệ giữa ban quản lý vườn ươm và chính quyền địa phương, với các doanh nghiệp hoạt động trong vườn ươm, với các trường đại học/trường cao đẳng/trường dạy nghề, các viện nghiên cứu đóng trên địa bàn, và với các cơ quan tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước... Quy chế này phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, song phải đảm bảo tính chặt chẽ, hài hoà quyền lợi của tất cả các bên tham gia trong vườn ươm, cho dù tham gia trực tiếp hay gián tiếp.
d) Khẩn trương xây dựng cơ sở pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của các TBI
Song song với việc tiến hành giúp các địa phương trong việc xây dựng thí điểm một số TBI, Bộ KH&CN nên phối hợp với các Bộ, đặc biệt là Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp, tiến hành nghiên cứu và xây dựng một Nghị định của Chính phủ về TBI nhằm tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng cho hình thức mới này ra đời nhanh và hoạt động mạnh mẽ ở nước ta trong những năm sắp tới.